Đồn đại chi phí học lái ô tô 30 triệu đồng để hút khách?

Nhiều nhân viên kinh doanh rao bán các khóa học bằng lái xe, đặc biệt B2 sẽ tăng lên mức 20-30 triệu đồng từ tháng 5/2020.

Bên cạnh khoản học phí bị đội lên quá cao, nhiều người còn quảng cáo rằng sẽ có 600 câu hỏi, các bài thi sẽ khó khăn hơn hiện tại. Vì vậy, “nên đăng ký học ngay bây giờ để hưởng chính sách cũ”. Bên cạnh việc giới thiệu qua điện thoại, lan truyền trên mạng xã hội thì thông tin này còn được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải.

tin don hoc phi lai xe oto

Ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX), Sở GTVT TPHCM, cho biết: “Thông tin để có bằng lái ôtô trong 2020 phải tốn 30 triệu là không đúng. Đây chỉ là tin đồn và không có cơ sở bởi hiện nay, chưa có trung tâm đào tạo nào ở TPHCM tăng học phí lên con số như vậy”.

heo ông Quang, trên địa bàn TPHCM hiện có 54 trung tâm, trường đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. “Một vài cơ sở mới đây gửi thông báo điều chỉnh tăng học phí sát hạch GPLX cho Sở GTVT nhưng mức tăng cũng chỉ 10-20%. Mức học phí thi bằng lái ôtô cao nhất ở TPHCM hiện nay cũng chỉ khoảng 17 triệu đồng “, vị này nói.

Lo ngại học phí tăng, Bảo Lâm (28 tuổi, TPHCM) cho biết vừa đăng ký học bằng lái B2 tại một trung tâm đào tạo ở quận 3 hồi giữa tháng 2/2020. Lâm được giới thiệu mức học phí trọn gói (không gồm phí khám sức khỏe) là 15 triệu đồng. Tháng 5 thi sát hạch cấp bằng.

Tại TP HCM, mức thu học phí thi giấy phép lái xe B2 dao động trong khoảng 10 triệu đồng. Các cơ sở có mức thu khác nhau dựa vào nhiều yếu tố như lượng giờ thực hành, xe thực hành loại đời mới hay cũ, cơ sở vật chất…

Học phí thi bằng lái ôtô hiện nay được quy định tại Thông tư liên tịch 72/2011 của Bộ GTVT và Bộ Tài chính. Theo đó, căn cứ vào các quy định về cơ sở vật chất đào tạo lái xe, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên do Bộ Giao thông vận tải ban hành và định mức về tiêu hao nhiên liệu do cơ sở đào tạo lái xe ban hành; chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng giấy phép lái xe chi tiết theo từng học phần.

Như vậy, học phí thi bằng xe ôtô do các trung tâm đào tạo quyết định, nhà nước không can thiệp hay quy định mức thu cụ thể. Vì thế, học phí thi bằng lái ôtô khác nhau ở mỗi cơ sở đào tạo.

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, đoàn Luật sư TPHCM cho biết: “Mức thu học phí thi bằng lái ôtô hiện nay theo quy luật cạnh tranh thị trường. Trường dạy lái xe có cơ sở vật chất tốt, học phí hợp lý sẽ thu hút được học viên và ngược lại”.

“Các cơ sở đào tạo có thể tăng học phí nhưng việc tăng phải có nguyên nhân thực tế, sau đó trình lên các cơ quan quản lý. Khi được các cơ quan quản lý chấp thuận, cơ sở đào tạo mới được tăng học phí chứ không phải muốn tăng là tăng”, luật sư Hiệp cho biết thêm.

Từ 1/5/2020, việc đào tạo, sát hạch lái xe ôtô theo Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT có nhiều điểm mới so với trước đó. Các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, như thiết bị chấm vân tay cho học viên. Ngoài ra, nơi đào tạo còn phải lắp thiết bị giám sát thời gian và số km thực hành lái xe trên đường của học viên. Bên cạnh đó là nhiều yêu cầu khác nhằm siết chặt, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe.

“Việc lắp thêm thiết bị, cơ sở vật chất mới có thể khiến các cơ sở đào tạo tăng học phí dạy lái. Nhưng mức tăng theo tôi cũng không đến mức 30 triệu đồng”, ông Ngô Đình Quang nói. “Cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo sẽ tạo ra mức học phí trên thị trường. Sở GTVT sẽ giám sát việc này”.

 Nguồn:  Vnexpress